TS.BS Trương Hồng Sơn: Cần thông tin minh bạch về đề án sữa học đường
Đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020 đề ra mục tiêu hơn 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo chương trình. Tuy nhiên, có không ít các bậc phụ huynh nghi ngờ tính khả thi của đề án về chất lượng nguồn sữa sử dụng và thực tế đã có địa phương phải dừng dự án này vì xảy ra ngộ độc hàng loạt.
Trước tâm tư này của các bậc phụ huynh, với vai trò là một chuyên gia về dinh dưỡng, TS.BS Trương Hồng Sơn đã có những chia sẻ với độc giả Nhân Dân điện tử một góc nhìn khác về đề án sữa học đường.
PV: Từ góc độ một chuyên gia về dinh dưỡng, ông đánh giá thế nào về dự án sữa học đường mà ngành giáo dục đang triển khai hiện nay?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Giải pháp can thiệp sữa học đường là một giải pháp đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan và cũng đã được triển khai thí điểm tại một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Hiệu quả của giải pháp này đã được ghi nhận và đánh giá cao.
Vì vậy từ góc độ chuyên gia chúng tôi thấy đây là một giải pháp cần thiết, tuy nhiên cần có các giải pháp truyền thông để phụ huynh học sinh hiểu, tự nguyện tham gia. Chúng ta cũng cần có các thông tin minh bạch để trả lời các câu hỏi mà các bậc cha mẹ băn khoăn như chất lượng sữa, việc sử dụng cho các trẻ thừa cân béo phì, vấn đề rối loạn tiêu hoá do không dung nạp sữa, vấn đề đóng góp tài chính.
Khi các thông tin đưa ra minh bạch, đầy đủ và phụ huynh học sinh hiểu, nhất trí tham gia một cách tự nguyện thì ý nghĩa và hiệu quả của đề án sẽ được nâng cao và tạo được các hiệu quả tốt hơn.
PV: Xin ông cho biết, giá trị của việc uống sữa đối với trẻ em Việt Nam – vốn được coi là có tầm vóc còn thấp trong khu vực?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Theo tôi có một số cơ sở quan trọng dẫn đến tổ chức triển khai đề án này: Thứ nhất, là thực trạng tầm vóc người Việt nam đang ở mức thấp của thế giới. So với 200 nước trên thế giới chiều cao của người Việt Nam đang đứng thứ 18 từ dưới lên (đối với nam) và thứ 12 từ dưới lên (đối với nữ). Cứ bốn trẻ em dưới 5 tuổi lại có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi và tỷ lệ trẻ có chiều cao thấp hơn chuẩn ở mức cao.
Chúng ta biết rằng tầm vóc cơ thể ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhưng trong đó dinh dưỡng có một vai trò quan trọng và là yếu tố mà chúng ta có thể thay đổi, điều chỉnh để giúp trẻ tăng trưởng.
Lý do thứ hai, là dù với các gia đình khá giả, chăm sóc tốt thì trẻ vẫn có thể suy dinh dưỡng hoặc hạn chế tăng trưởng do phần lớn (hơn 50%) khẩu phần ăn của trẻ là ở nhà trường. Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường là việc cần phải triển khai. Tuy nhiên thực trạng bữa ăn học đường của chúng ta còn chưa bảo đảm được số lượng và chất lượng do những khó khăn về đóng góp kinh phí, khả năng tổ chức bữa ăn học đường…
Vì vậy bên cạnh việc nâng cao chất lượng bữa ăn học đường nói chung thì bổ sung sữa trong bữa ăn là một giải pháp khả thi, đáp ứng thêm nhu cầu của trẻ do sữa sẽ cung cấp thêm năng lượng, đặc biệt là trong sữa có nhiều các vi chất dinh dưỡng liên quan đến tăng trưởng của trẻ bao gồm các vitamin và khoáng chất quan trọng.
PV: Việc áp dụng sữa học đường đại trà sẽ có những ảnh hưởng thế nào với những em học sinh tham gia đề án này khi thực tế các em có thể trạng khác nhau?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Chúng ta thấy nhiều cha mẹ băn khoăn về việc này, tuy nhiên có thể khẳng định đối với trẻ em thì sữa là một trong các thực phẩm được khuyến nghị sử dụng hằng ngày.
Đối với trẻ thừa cân béo phì thì sữa nước vẫn là một thực phẩm mà trẻ cần sử dụng, còn việc điều chỉnh cân nặng cần được điều chỉnh từ các thực phẩm có ít lợi ích khác như đồ ngọt, đồ ăn đóng hộp, nước ngọt, các thức ăn nhanh… và cả vấn đề tập luyện thể lực. Nếu vì lo ngại thừa cân mà bỏ sữa ra khỏi bữa ăn (trong khi vẫn duy trì các thực phẩm không tốt khác) thì cha mẹ đang làm mất cơ hội tăng trưởng chiều cao của trẻ.
PV: Theo ông, tại Việt Nam, khi triển khai đề án sữa học đường, chúng ta có nên tính tới việc chọn loại sữa nào để đáp ứng được đúng lứa tuổi học đường?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Từ góc nhìn của chuyên gia về dinh dưỡng, tôi cho rằng các sữa nước của các công ty lớn, có uy tín ở Việt Nam hiện nay đều đáp ứng một phần nhu cầu phát triển của trẻ. Chúng ta cũng đừng cho rằng đây là một siêu thực phẩm “ghê gớm” nào đó để cần thiết phải tạo ra một công thức riêng cho nhóm 3-11 tuổi này. Thực tế là các loại sữa nước của các công ty lớn ở Việt Nam hiện nay đều có thể đáp ứng nhu cầu về năng lượng, các vi chất cần thiết cho giai đoạn phát triển này bao gồm Vitamin A, Vitamin D, Vitamin K2, Canxi, Sắt, kẽm…
Và thực tế sữa cũng chỉ là một thành phần trong bữa ăn học đường, có vai trò đóng góp chung vào khẩu phần ăn, chứ không phải là một mình nó có thể gánh toàn bộ việc đáp ứng nhu cầu khẩu phần của trẻ.
PV: Được biết dự án này được nhiều nước triển khai thành công. Tại Việt Nam, theo ông lý do vì sao mà đề án vẫn chưa nhận được sự đồng thuận lớn của các bậc phụ huynh vì thực tế đã có những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra do uống sữa học đường?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Chúng tôi nghĩ là trong thời gian qua đề án này chưa tổ chức tốt việc truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ cho các gia đình. Việc đề cao thái quá giải pháp này hoặc đánh giá thấp vai trò của sữa đều là không đúng.
Vì thế, cần đưa thông tin đúng, đủ, minh bạch về nhiều khía cạnh như sức khỏe, những phản ứng phụ (nếu có), vấn đề đóng góp tài chính sẽ rất quan trọng để cha mẹ hiểu, cân nhắc việc tự nguyện tham gia. Việc đưa ra tỷ lệ bao nhiêu % cha mẹ tham gia là không cần thiết. Nếu chương trình tốt, có lợi cho trẻ và được triển khai bài bản, nghiêm túc thì theo thời gian cha mẹ chắc chắn sẽ đồng thuận.
PV: Để dự án này thành công, theo ông, Việt Nam cần có những bước đi thế nào để bảo đảm được chất lượng nguồn cung cấp sữa, giúp phụ huynh yên tâm về chất lượng và giá thành khi tham gia dự án?
TS.BS Trương Hồng Sơn: Chất lượng sữa của đề án là một nội dung rất cần được chú ý giám sát. Cũng như các loại thực phẩm khác, việc ngộ độc thực phẩm là có thể xảy ra nếu quy trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản không bảo đảm. Và nếu xảy ra thì sẽ rất nguy hiểm vì đây là chương trình lớn, triển khai trên diện rộng.
Bảo đảm chất lượng sẽ cần được triển khai chặt chẽ từ khâu sản xuất tại nhà máy đến nhà trường và cần tuân thủ các nguyên tắc, quy định của đề án.
Ngoài ra vấn đề theo dõi, giám sát tại nhà trường với các trường hợp rối loạn tiêu hoá ở một số trẻ có hiện tượng không dung nạp lactose trong sữa cũng cần được các cán bộ y tế học đường và giáo viên nắm được để xử lý và giải quyết.
Xin cảm ơn TS.BS Trương Hồng Sơn!
* Đồng Nai tạm dừng Đề án Sữa học đường sau khi 73 trẻ bị ngộ độc
* Băn khoăn từ Chương trình Sữa học đường
THIÊN LAM (thực hiện)